Bạn biết rằng ngày cưới chỉ diễn ra vỏn vẹn trong vòng một ngày nhưng quá trình chuẩn bị cho ngày trọng đại đó khá là vất vả. Để không bị rối tung và quay cuồng trong hàng loạt những điều cần phải thực hiện cho đám cưới thì bạn nên tính toán một cách nghiêm túc và vạch ra những kế hoạch cụ thể của việc chuẩn bị
1. Chọn ngày cưới
Theo phong tục truyền thống của ông bà ta xưa nay thì việc chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức lễ cưới đều được các bậc phụ huynh quan tâm. Nhiều gia đình cẩn trọng và khắt khe còn lên chùa nhờ các sư thầy chọn ngày cưới phù hợp với tuổi tác của con cái. Tuy nhiên có những gia đình “thoáng” hơn thì việc chọn ngày tùy thuộc vào cô dâu chú rể sắp xếp thời gian hoặc chọn thời điểm để khách mời có thể tham dự đầy đủ nhất. Các cô dâu chú rể nên lưu ý đến vấn đề này tùy theo quan niệm của cha mẹ để chọn ngày phù hợp cho lễ cưới của mình.
2. Ngân sách cần chi trả cho đám cưới
Sau khi đã chọn được ngày tốt để bắt đầu vào công việc chuẩn bị cho lễ cưới diễn ra thì điều trước tiên bạn nên xác định là ngân sách bạn cần chi trả cho đám cưới khoảng bao nhiêu. Vấn đề bạn có bao nhiêu tiền quyết định phần lớn tới đám cưới của bạn. Nhiều cô dâu chú rể băn khoăn rằng không biết cần bao nhiêu mới đủ, nhưng thực tế mỗi đám cưới đều có khoản chi trả khác nhau. Nếu khả năng tài chính của 2 bạn dư dả và muốn một đám cưới hoành tráng thì chi phí sẽ phải chi trả phóng khoáng hơn và ngược lại nếu điều kiện kinh tế eo hẹp thì đám cưới sẽ đơn giản hơn.
Bạn nên chia ra các khoản ngân sách khác nhau cho những việc cụ thể để quản lý chặt chẽ hơn. Để ước lượng khoản chi phí này bạn không chỉ trao đổi với bạn đời của mình mà cả với cha mẹ hai bên, những người đã từng có kinh nghiệm trước đây.
3. Hình thức đãi tiệc
Việc quyết định đãi tiệc chung hay riêng ảnh hưởng nhiều đến việc chuẩn bị cưới. Điều này cô dâu chú rể cần sự thống nhất của gia đình hai bên. Nếu đãi tiệc cưới riêng bạn cần phải chuẩn bị trang phục, phụ kiện cho hai bữa tiệc. Nếu tiệc chung thì hai bên gia đình sẽ tiết kiệm được một số chi phí về địa điểm tiệc…
4. Ước lượng khách mời để tìm nhà hàng thích hợp
Ở giai đoạn đầu của việc chuẩn bị thì bạn chưa cần thiết phải có danh sách khách mời chính thức, nhưng bạn cũng cần phải ước lượng số khách khoảng bao nhiêu để lựa chọn nhà hàng thích hợp. Việc này cũng giúp cô dâu chú rể dễ dàng tính chi phí của đám cưới vì thông thường tiệc đãi khách chiếm khoảng 60% ngân sách cưới.
Tùy theo số lượng khách dự kiến mà bạn chọn địa điểm đãi tiệc, lưu ý rằng cũng giống như những dịch vụ khác, chọn địa điểm cũng cần book giữ chỗ trước, tránh bị thụ động. Việc chọn địa điểm đãi tiệc cô dâu chú rể nên bắt đầu tham khảo trước đó 6 tháng. Những nhà hàng khác nhau có phong cách bày trí, thực đơn tiệc, MC, âm nhạc…với mức giá khác nhau. Hai bạn nên tham khảo nhiều nơi để chọn địa điểm phù hợp cho lễ cưới của mình.
5. Trang phục và những vật dụng cần thiết
_ Sau khi đã tính toán được những chi tiết lớn các cô dâu chú rể cần quan tâm đến việc chụp ảnh cưới vì đây là việc cần chuẩn bị từ sớm khi tâm lý còn thoải mái nhất để có được bộ ảnh đẹp đáng nhớ. Bạn có thể tham khảo từ rất nhiều studio hay freelancer nổi tiếng với những màu sắc và phong cách hình ảnh khác nhau. Ngoài ra một số studio còn cung cấp dịch vụ trọn gói bao gồm trang phục, phụ kiện, quay phim, chụp hình cho ngày cưới…sẽ rất tiện lợi cho việc thuê trọn gói tiết kiệm được thời gian.
_ Việc chọn trang phục phù hợp vóc dáng của cô dâu chú rể, bộ nào dùng đãi tiệc, bộ nào để chụp hình bạn cũng cần cân nhắc hợp lý, ở những địa điểm cho thuê áo cưới luôn có sẵn chuyên gia để tư vấn cho bạn vấn đề này.
_ Chọn mẫu và in thiệp cưới sẽ tiến hành sau khi đã chốt được danh sách khách mời, địa điểm. Nên in sơ đồ đường đi kèm theo thiệp nếu bạn đãi tiệc tại nhà để khách tiết kiệm được thời gian tìm kiếm. Dành thời gian phát thiệp 2 tuần trước khi lễ cưới diễn ra.
_ Chọn xe hoa, xe chở bà con hai họ, người làm phụ dâu, phụ rể, bưng quả…Nên nhờ những người bạn thân thiết của mình giữ vai trò này để đám cưới thân mật, ấm cúng hơn.
_ Nhẫn cưới, bánh cưới, hoa, mâm quả, sổ kí tên…được đặt sẵn trước đó 2 tháng.
6. Chuẩn bị tâm lý cho cô dâu chú rể
Mặc dù kết hôn là chuyện trọng đại nhưng bạn cũng không nên lo lắng quá mức sẽ ảnh hưởng đến tinh thần trong ngày cưới. Cần liệt kê chi tiết các khâu chuẩn bị để thực hiện theo thứ tự, bạn có thể nhờ người thân, bạn bè hỗ trợ một cách tích cực. 1 tuần trước khi diễn ra lễ cưới cần gọi điện thoại để thỏa thuận chi tiết và nhắc nhở đối với các dịch vụ đã thuê từ trước đó về ngày giờ và cách thức tổ chức.
Cô dâu chú rể cũng cần chăm sóc sức khỏe và nhan sắc của mình, tránh thức khuya vì lo lắng, giữ tinh thần ở mức cao nhất có thể. Chia sẽ những cảm xúc hồi hộp để trấn an nhau. Bàn bạc về chuyến đi tuần trăng mật sau khi kết thúc lễ cưới. Và không quên gửi lời cảm ơn của mình đến gia đình, họ hàng, bạn bè đã giúp đỡ.
1 tháng trước khi cưới hai bạn cần đi kiểm tra sức khỏe tổng quát và đăng kí kết hôn.
Nguồn ST